Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game, trong tổng số khoảng 3 tỉ người chơi game (trò chơi điện tử) trên toàn thế giới. Game không còn đơn thuần là những trò chơi, đó là một ngành công nghiệp trị giá cao.
Thú vị và công bằng
Trong một sự kiện, ông Kelly Wong – Phó Tổng Giám đốc mảng Trò chơi trực tuyến của VNG đã đưa ra câu hỏi "trò chơi là gì?" cùng lúc ông đưa ra 2 hình ảnh những viên bi và tay cầm chơi game, yêu cầu mọi người lựa chọn hình ảnh liên quan đến trò chơi quen thuộc với mình. Hầu hết người tham gia đã chọn tay cầm chơi game. Đó là một thực tế, trò chơi đã được định nghĩa lại trong một thế giới mà các phương tiện số dễ dàng tiếp cận hơn cũng như những không gian trò chơi vận động kiểu cũ đã thu hẹp lại, với những người trẻ.
Như mọi mô hình văn hóa khác, trò chơi điện tử cũng đã trải qua các thử thách, sự nghi ngờ, những áp lực từ mô hình văn hóa cũ… nhưng cuối cùng, hơn 1/3 dân số thế giới đang sử dụng điều này. Theo báo cáo từ The Games Market in 2022: The Year in Numbers (Thị trường Game trong 2022: Thị trường qua các con số) của Newzoo vào cuối năm 2022, tỉ lệ về giới tính của game thủ trên toàn cầu đang ngày càng cân bằng ở mọi thể loại trò chơi và nền tảng.
Sự quyến rũ của game còn đến từ các bối cảnh đồ họa, sự nhập vai, cho phép người chơi trải nghiệm các thế giới khác biệt, sống trong các nền văn hóa khác nhau cũng như có thể làm được các công việc mình muốn mà các hạn chế của thế giới thực đã chặn lại. Một ước mơ làm người nhạc công, ca sĩ hay nhà thám hiểm, nhà du lịch… đều có thể được đáp ứng trong game.
Chính xác nhu cầu đó đã thúc đẩy ngược lại cho công nghệ phát triển. Càng ngày, đội ngũ phát triển game toàn cầu càng "mạnh tay" đẩy mạnh chất lượng đồ họa mà không phải lo lắng đến hạn chế của thiết bị đầu cuối, khiến chất lượng hình ảnh của các thế giới trong game ngày càng lộng lẫy, cuốn hút và gần với đời thực hơn. Phần cứng các thiết bị được nâng cấp, các công nghệ mới được phổ cập nhanh hơn, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng như AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo) được đẩy nhanh hơn ứng dụng vào đời sống từ các trò chơi.
Accessibility (khả năng hỗ trợ, tiếp cận của game với những người chơi có điều kiện sức khỏe đặc biệt) là khái niệm được nhiều nhà làm game quan tâm trong những năm gần đây. Nhờ sự quan tâm này, những game thủ có trở ngại về thị giác, chứng rối loạn màu sắc, khiếm thính... có thể tiếp cận và trải nghiệm game một cách công bằng và thuận lợi như người bình thường. Một nghiên cứu từ Accessibility đã chỉ ra rằng những game thủ có điều kiện sức khỏe đặc biệt chiếm 20% cộng đồng game thủ toàn cầu, trong đó, 94% game thủ khuyết tật chia sẻ chơi game mang đến những "lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất".
Tạo ra những hi vọng
Để đi bước tiên phong trong một thời kỳ mà trò chơi được định nghĩa lại, trở thành một "mỏ vàng" của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều sáng tạo bất ngờ. Nỗi hi vọng từ sự kỳ thú mà game mang lại của hầu hết con người trên thế giới chính là một niềm hi vọng cho ngành công nghiệp trí tuệ này của Việt Nam.
Sau cơn sốt Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông xôn xao làng game thế giới với thành công lớn và bất ngờ, Việt Nam gần đây còn có Amanotes - một công ty game Việt Nam nổi tiếng toàn cầu về các game âm nhạc. Các ứng dụng giả lập việc chơi nhạc cụ trên điện thoại di động với độ phức tạp đã được đơn giản hoá đã thu hút hàng tỷ người trên thế giới tải về. Người chơi có thể chơi các bản nhạc yêu thích bằng piano, guitar, trống… mà không phải quá khổ nhọc rèn luyện.
Ngành game mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ
Các thành công ấy, không tự nhiên mà đến, đó là quá trình chuẩn bị, nghiên cứu và xây dựng công phu các nền tảng. Tại Việt Nam, VNG là một công ty dày công cho cuộc chinh phục hi vọng đó. Hiện nay, VNGGames đang phân thành 2 mảng chính: phát hành games và phát triển games. Nhánh phát hành game có các sản phẩm đã làm nên thương hiệu VNG như Võ lâm truyền kỳ, Thiên Dụ Mobile... cho cộng đồng người chơi trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, VNG Games phát hành game Revelation: Thiên Dụ, tại 6 quốc gia thuộc khu vực SEA (Đông Nam Á), bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore và Malaysia. Đông Nam Á là thị trường chính hiện nay của VNG. Khảo sát của Samsung và ONE Esport cho thấy cứ 10 người dùng trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương thì có đến 7 người chơi trò chơi điện tử. Riêng Việt Nam, đến 59% người được khảo sát cho biết có chơi game hơn một lần mỗi tuần. Đó cũng là tiền đề để VNG có đội ngũ tạo ra hi vọng.
Ngoài những Sky Mavis hay Amanotes, các tên tuổi phát triển game của Việt Nam đã vang lừng thế giới, thì hàng trăm nhà phát triển nhỏ hơn vẫn đang miệt mài nỗ lực để tạo một hệ sinh thái game trong ngành công nghiệp sáng tạo này. Năm 2022, đã có hơn 50 studio game Việt đang được Google hỗ trợ trong hành trình chinh phục thị trường thế giới. Trong đó, Trisoft, Topbox… là những tên đáng được chú ý khi là các nhà phát triển có hơn 100 triệu lượt tải game. Những game hành động, casual dễ thương của các công ty mang nhiều hình ảnh, dấu ấn của Việt Nam.
Sinh viên tham quan và lắng nghe những chia sẻ về ngành tại doanh nghiệp
Những nhân sự ấy, là những người mở ra cánh cửa hi vọng cho Việt Nam có thể chiếm lĩnh được thị trường ngành công nghiệp có trị giá gần 200 tỉ USD với mức tăng trưởng hàng năm hai con số - là game. Không chỉ thế, niềm hi vọng còn là sự lan tỏa văn hóa, những ảnh hưởng mềm thông qua game, bằng các hình tượng và văn hóa Việt.
Dự kiến, VNG sẽ chính thức đồng hành cùng Vietnam GameVerse 2023 (do Cục Phát thanh truyền hình tổ chức) vào tháng 4 tới đây, với rất nhiều hoạt động nhằm thu hút người yêu game và người làm game trong nước và quốc tế.
إرسال تعليق