Để logistics phát triển cần có những yếu tố nào?


Một nhà hậu cần là một người hành nghề hậu cần chuyên nghiệp. Các nhà hậu cần chuyên nghiệp thường được chứng nhận bởi các hiệp hội nghề nghiệp. Một người có thể làm việc trong một công ty hậu cần thuần túy, chẳng hạn như một hãng tàu, sân bay hoặc công ty giao nhận hàng hóa

1. Phương châm của logistics là gì?

Phương châm của logistics hiện đại là chi phí, tốc độ, tin cậy. Tức là một hàng hóa đi từ doanh nghiệp đến đối tác với chi phí thấp nhất, tốc độ nhanh nhất, đồng thời phải đảm bảo hàng hóa không bị thất lạc, mất mát, hư hỏng. John J. Coyle, tác giả một loạt quyển sách về kinh doanh logistics, tóm tắt phương châm của logistics trong 7 chữ Đúng (nguyên văn tiếng Anh là 7 chữ Right) như sau: Logistics là đem đúng sản phẩm, đến đúng khách hàng, với đúng số lượng, ở đúng trạng thái, đến đúng địa điểm, vào đúng thời gian, và với đúng chi phí.

2. Có thể dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả của hoạt động logistics?

Đối với quốc gia, hiệu quả của hoạt động logistics có thể đánh giá thông qua các tiêu chí:

• Chi phí logistics so sánh với GDP hoặc kim ngạch xuất nhập khẩu (tỷ lệ càng nhỏ càng tốt);

• Doanh thu của dịch vụ logistics so sánh với GDP (tỷ lệ càng cao càng thể hiện vai trò và tầm quan trọng của dịch vụ logistics);

• Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics (tốc độ cao cho thấy dịch vụ logistics phát triển nhanh);

• Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài (tỷ lệ càng cao thể hiện mức độ chuyên nghiệp hóa của dịch vụ logistics càng tốt);

• Thời gian trung bình xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa (thời gian càng ngắn càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp). Đối với doanh nghiệp, hiệu quả của hoạt động logistics có thể đánh giá thông qua các tiêu chí:

 • Thời gian tiếp nhận và hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (thời gian càng ngắn thì hiệu quả càng cao);

 • Chi phí trung bình để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (chi phí càng thấp thì hiệu quả càng cao);

 • Số lượng người tham gia để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (số người càng ít thì hiệu quả càng cao);

• Mức độ hài lòng của khách hàng (thể hiện chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ).

3. Logistics 3PL là gì?

3PL là từ viết tắt của third-party logistics, nghĩa là logistics sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Nói cách khác, đây là việc các doanh nghiệp sản xuất, thương mại sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, thay vì tự mình thực hiện các hoạt động logistics này. Ví dụ một công ty A của Việt Nam bán hồ tiêu cho doanh nghiệp Ấn Độ. Thay vì tự làm việc đặt lịch tàu, thuê xe chở hồ tiêu từ kho ra cảng, làm thủ tục hải quan, xin giấy chứng nhận xuất xứ, ... công ty A sẽ giao cho công ty C thực hiện. Do công ty C chuyên làm những việc này nên các quy trình sẽ triển khai nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Đổi lại, công ty A trả cho công ty C một khoản tiền là giá dịch vụ mà công ty C đã cung cấp. Logistics 3PL chính là xu hướng đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ logistics theo hướng chuyên môn hóa. Theo hướng này, doanh nghiệp sản xuất, thương mại có điều kiện tập trung nguồn lực, con người để làm tốt các khâu sản xuất, tìm bạn hàng, phát triển thị trường, trong khi các khâu đưa hàng hóa đến đối tác sẽ sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp logistics.

4. Có 1PL và 2PL không? Khác biệt giữa 2PL và 3PL là gì?

1PL để chỉ một doanh nghiệp sản xuất - thương mại tự đảm nhiệm hoạt động logistics cho chính mình mà không phải thuê đơn vị bên ngoài. Ví dụ một công ty sản xuất thức ăn nhanh, nhưng cũng sở hữu một đội xe để giao hàng, một kho lạnh để lưu trữ thực phẩm, một đội ngũ cán bộ để tìm mua nguyên liệu kinh doanh dịch vụ xe tải, một bến cảng, một trung tâm thu gom hàng là một nhà cung cấp dịch vụ 1PL. 2PL là nhà cung cấp dịch vụ ở một loại hình đơn lẻ hoặc trong một phạm vi địa lý hẹp. Ví dụ một công ty vận tải với đội hình xe tải, xe đầu kéo, hay một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi. Các công ty chuyển phát nhanh, các hãng tàu biển, công ty đường sắt, giám định, bảo hiểm cũng được coi là 2PL. 2PL thường gắn với việc phải có cơ sở hạ tầng, tài sản cố định. Sự phân biệt giữa 2PL và 3PL hiện nay chưa rõ ràng. Có ý kiến cho rằng 3PL luôn gắn với dịch vụ hải quan, còn 2PL không có yếu tố này. Có ý kiến cho rằng 2PL hoạt động trên cơ sở nhu cầu đột xuất, vãng lai (dịch vụ chuyển phát nhanh), còn 3PL hoạt động trên cơ sở lên kế hoạch, hợp đồng dài hạn. Một ý kiến khác cho rằng 2PL chỉ cung cấp dịch vụ đơn thuần theo chuẩn do nhà cung cấp dịch vụ định ra, còn 3PL có sự tùy biến, cá biệt hóa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

5. Logistics 4PL là gì?

Logistics 4PL được dùng để chỉ nhà cung cấp dịch vụ logistics tổng thể, tích hợp nhiều công đoạn trong quá trình logistics. Nhà cung cấp dịch vụ logistics 4PL có thể không có tàu biển, không có xe tải, không có kho hàng, nhưng là người có khả năng kết nối, tận dụng năng lực của tất cả các yếu tố trên để hoàn thành một quy trình logistics phức tạp. Logistics 3PL chỉ nhằm vào một chức năng hay công đoạn cụ thể, trong khi logistics 4PL hướng tới giải pháp cho cả quá trình. Do vậy, nhà cung cấp dịch vụ logistics 4PL có thể sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL khác nhau để thực hiện hợp đồng dịch vụ với khách hàng của mình. Ở một cách nhìn khác, trong khi nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL sẽ thực hiện từng chức năng tách biệt với quy trình sản xuất, phân phối hàng hóa thì nhà cung cấp dịch vụ logistics 4PL sẽ đảm nhiệm một phần chức năng trước đây không thể tách rời của doanh nghiệp sản xuất - thương mại. Nói cách khác, logistics 4PL tích hợp mình với doanh nghiệp, trở thành một phần trong quy trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, công ty sản xuất máy kéo John Deere sản xuất nhiều loại máy kéo khác nhau, từ loại rất nhỏ để làm vườn đến loại rất lớn. Công ty vận chuyển các bộ phận ở dạng rời sang Hà Lan, một doanh nghiệp logistics Hà Lan đứng ra tiếp nhận, lắp ráp hoàn chỉnh, đưa vào kho bãi và giao hàng theo chỉ định của John Deere. Khi có yêu cầu sửa chữa nhỏ, bảo hành, thay thế, chính doanh nghiệp logistics Hà Lan cũng sẽ đảm nhiệm luôn việc này, John Deere không cần phải có kho hay trạm bảo hành riêng nữa. Như vậy, doanh nghiệp logistics Hà Lan đã trở thành một bộ phận không thể thiếu để John Deere có thể đưa được sản phẩm đến khách hàng.

6. Sau logistics 4PL là gì, đã có logistics 5PL chưa?

Hiện nay người ta cũng bắt đầu nói đến 5PL, loại hình dịch vụ logistics không cần có cơ sở vật chất như xe cộ, kho bãi, xe nâng, tàu biển, không có lái xe hay thủ kho. Chức năng chính của 5PL là cung cấp dịch vụ thông qua việc liên kết các nhà cung cấp dịch vụ khác và mạng lưới khách hàng, tìm kiếm, so sánh và lựa chọn các báo giá, kiểm tra, giám sát đường đi của hàng hóa, tư vấn, đào tạo để khách hàng tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Logistics 5PL cũng được nói đến là loại hình logistics thông minh, dựa trên phương tiện điện tử, công nghệ thông tin để điều phối mạng cung ứng (chứ không phải chỉ là chuỗi cung ứng) và đáp ứng những nhu cầu khác biệt của từng khách hàng.

7. Tôi chưa phân biệt được logistics khác vận tải như thế nào?

Logistics là cả một quá trình, mà vận tải chỉ là một phần trong quá trình đó. Vận tải là thành phần quan trọng, nhưng không phải là tất cả quá trình logistics. Thống kê trên thế giới cho thấy về mặt chi phí, chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60% chi phí chung của logistics. Ngoài vận tải, logistics còn có những hoạt động khác như kho bãi, bốc xếp, giao nhận, giám định, bảo hiểm, đóng gói, v.v... Mặt khác, không chỉ có ý nghĩa là một dịch vụ, logistics mang một ý nghĩa bao trùm lớn hơn là việc tính toán, lập kế hoạch để hàng hóa di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhất, thời gian nhanh nhất, góp phần vào việc nâng cao năng suất, doanh thu cho doanh nghiệp. Như vậy, logistics và vận tải không phải là một.

8. Để logistics phát triển cần có những yếu tố nào?

Để logistics phát triển, cần có sự tham gia của một số yếu tố sau: a) Chính sách, pháp luật: Giống như cá bơi trong nước, chim bay trên trời, một lĩnh vực muốn phát triển cần có môi trường thuận lợi. Khung thể chế bao gồm những chính sách tạo điều kiện cho logistics và các ngành liên quan có thể phát triển mạnh mẽ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần có các văn bản pháp luật bao quát đủ các khía cạnh, là cơ sở để phân giải khi có tranh chấp và tạo hành lang để các doanh nghiệp phát triển đúng hướng. b) Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics bao gồm cơ sở hạ tầng cứng như đường sá, sân bay, bến cảng, nhà ga, tàu bè, xe tải, cần cẩu, kho bãi, giàn nâng... và cơ sở hạ tầng mềm như con người (đội ngũ quản lý, đội ngũ nhân viên), thông tin, công nghệ, ... c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: Đây là các doanh nghiệp chuyên thực hiện dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp khác, bao gồm các hãng tàu biển, hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ, doanh nghiệp giao nhận, đại lý hải quan, giám định, bảo hiểm, ... d) Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ: Đây là các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, có nhu cầu đưa hàng hóa từ một điểm đến một điểm khác, và trong quá trình đó sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. So với nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì đây là nhóm doanh nghiệp có số lượng rất lớn, rất đa dạng về phạm vi hoạt động.

9. Chuỗi cung ứng là gì?

Như tên gọi của nó, vì là chuỗi nên chuỗi cung ứng bao gồm nhiều hoạt động tương đối độc lập, nhưng đều tác động đến một đối tượng chung là hàng hóa. Ví dụ, chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp cà-phê bắt đầu từ việc thu gom cà-phê từ nông trường của mình hoặc từ các hộ nông dân, chở về các trạm, từ các trạm về kho, từ các kho về nhà máy tại Đăk Lăk. Tại nhà máy, cà-phê được phơi, sấy, rang, xay, tẩm ướp, trộn với các loại cà-phê khác để ra loại cà-phê có hương vị đặc thù. Sau đó, bột cà-phê đã được chế biến có thể được chuyển tiếp bằng xe ô-tô tải đến một nhà máy khác ở Đồng Nai để đóng hộp, dán nhãn. Một số lượng cà-phê bột được chuyển sang phân xưởng khác, tiếp tục trở thành nguyên liệu để chế biến ra cà-phê hòa tan rồi số cà-phê hòa tan này cũng được đóng gói. Từ nhà máy ở Đồng Nai, các thùng, hộp cà-phê đã chế biến này được đưa ra cảng Cát Lái hoặc cảng Cái Mép để đưa xuống tàu thủy, chở đến cảng Antwerp ở Châu Âu. Từ cảng này, hàng được bốc xuống, theo các toa tàu hỏa vận chuyển vào nước Đức. Cà-phê Việt Nam tập kết tại một tổng kho nằm gần Frankfurt, sau đó chuyển đến các công ty bán lẻ. Đến lượt mình, công ty bán lẻ phân phối cà-phê đến các siêu thị và cửa hàng để bán cho người tiêu dùng. Đối tượng của chuỗi cung ứng trong nền kinh tế hiện đại không chỉ bao gồm hàng hóa, mà có thể là cả các yếu tố vô hình như dịch vụ, thông tin, năng lượng.

 

0 تعليقات

إرسال تعليق

Post a Comment (0)

أحدث أقدم
Tham Gia Kiếm Tiền Cùng Tap2Down Xem Thêm