Mất nghìn USD vì chạy theo cơn sốt memecoin mới


Thành Nam (Bình Dương) bán một nửa số Bitcoin lấy 5.000 USD để mua Pepe gây sốt hồi đầu tháng, nhưng đang phải bán để lấy lại 2.000 USD.

Khi cơn sốt meme coin lên cao, Nam quyết định bán nửa số Bitcoin anh mua từ năm ngoái để tham gia làn sóng mới, với dự định kiếm số tiền lớn và thoát khỏi thị trường.

Ngày 5/5, khi giá token đạt 0,000004 USD, nâng vốn hóa thị trường của Pepe lên 1,63 tỷ USD, số tiền 5.000 USD ban đầu của Nam tăng lên gần 7.000 USD. Với mong muốn kiếm nhiều hơn, anh quyết định chờ thêm.

Tuy nhiên một tuần sau, giá Pepe đã giảm mạnh về mức 0,0000017 USD. Nam chấp nhận bán số token và mất khoảng 3.000 USD. "Theo kinh nghiệm từ các đợt trước, nếu còn bám trụ, tôi nghĩ mình còn mất thêm tiền", Nam nói.

Nam là một trong số nhiều người tham gia cơn sốt meme coin Pepe ngắn ngủi thời gian qua. Theo số liệu từ CoinMarketCap, Pepe - token có biểu tượng con ếch được dùng làm meme trên mạng xã hội - đã tăng mạnh từ khi xuất hiện trên thị trường giữa tháng 4, đạt đỉnh ngày 5/5 nhưng mất hàng chục phần trăm giá trị những ngày tiếp theo.

Meme coin vẫn được xem là trò đùa trong giới tiền số. Những token như Pepe dù được nhiều người săn đón nhưng không mang lại giá trị cốt lõi nào cho cộng đồng, ngoài mục tiêu "đầu tư cầu may''. Trên trang chủ dự án, nhà phát triển nói: "Pepe chỉ là meme coin, không có giá trị nội tại hoặc kỳ vọng về lợi nhuận tài chính. Dự án không có đội ngũ quản lý chính thức hoặc lộ trình phát triển. Token này hoàn toàn vô dụng và chỉ dùng cho mục đích giải trí".

Điều khiến Pepe khác biệt là nó được xây dựng trên tiêu chuẩn BRC-20 của Bitcoin. Trang CoinTelegraph thống kê, ngoài Pepe, đang có hơn 8.500 token khác được đúc theo BRC-20, phần lớn là meme coin. Dù đã tuyên bố vô giá trị, những đồng tiền số mới này vẫn có số người tham gia lớn. Dữ liệu từ YCharts cho thấy ngày 3/5, phí giao dịch trên chuỗi khối Bitcoin đạt 3,5 triệu USD, tăng 400% so với cuối tháng 4.

Kyle Doane, người phụ trách kiểm tra giao dịch tại công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Arca, cho biết không ít người đã bán một phần tiền số hàng đầu đã nắm giữ trước đó như Bitcoin và Ethereum để tham gia làn sóng Pepe. Khi Pepe tăng vào ngày 5/5, hai tiền số kể trên đều giảm 10% giá trị - mức giảm đáng kể sau bốn tháng tăng liên tiếp.

"Nhưng khi cơn sốt qua đi, điều chắc chắn xảy ra là hầu hết đều mất tiền, không thể quay lại mua được số Bitcoin hay Ethereum cũ", Doane nói với Bloomberg. "Cuối cùng, đó chỉ là một tấm vé số không trúng thưởng, hay đúng hơn là đang tham gia sòng bạc".

Theo Joe Rotunda, Giám đốc bộ phận thực thi tại Ủy ban Chứng khoán Texas, khi sự cường điệu xung quanh meme coin tan biến, những người đã đầu tư vào tiền số loại này đa phần chịu tổn thất đáng kể. "Nó như một chiếc ghế với xung quanh là âm nhạc thôi miên. Khi âm nhạc dừng lại, nhà đầu tư vẫn còn mơ màng", Rotunda nói.

Ngay cả khi kiếm được từ meme coin, việc rút tiền cũng không dễ dàng. Merav Ozair, chuyên gia fintech tại Đại học Cornell, cho biết ông đã ghi nhận một số người "trúng" hàng triệu USD từ tiền số dạng này nhưng không thể rút toàn bộ. "Do tính thanh khoản kém, họ không thể bán nó", Ozair cho hay.

Một số meme coin có thời gian tồn tại lâu, như Dogecoin và Shiba Inu vẫn nằm trong số những tiền điện tử có vốn hóa thị trường lớn nhất, nhưng chúng được coi là ngoại lệ. "Hàng nghìn đồng khác đã mọc ra rồi biến thành những thây ma vì hầu như không thể giao dịch được", Ozair nói.

Theo các chuyên gia, khi "cầu may" với meme coin, người dùng chỉ nên chi khoản tiền thấp và xác định sẽ mất trắng. "Việc đi tàu lượn với meme coin khá thú vị, nhưng cuối cùng mọi thứ cũng vì lợi nhuận, đừng nên để mất quá nhiều".

 

0 تعليقات

إرسال تعليق

Post a Comment (0)

أحدث أقدم
Tham Gia Kiếm Tiền Cùng Tap2Down Xem Thêm