Trung Quốc đã thắt chặt các yêu cầu quản lý rủi ro đối với các ngân hàng thương mại, yêu cầu các ngân hàng phân loại rủi ro của tất cả các tài sản tài chính nội bảng và ngoại bảng chịu rủi ro tín dụng.
Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - Ngân hàng trung ương của nước này mới đây đã cùng ban hành các biện pháp phân loại rủi ro tài sản tài chính của các ngân hàng thương mại, với mục đích hối thúc hơn các ngân hàng đẩy mạnh việc xác định và đánh giá chính xác rủi ro tín dụng của mình và báo cáo trung thực về chất lượng tài sản của họ.
Hiện tại, các ngân hàng được yêu cầu phân loại các khoản cho vay thành 5 loại, từ "bình thường" đến "mất vốn".
Kể từ ngày 1/7 tới, phạm vi tài sản tài chính của các ngân hàng được phân loại cũng sẽ bao gồm các khoản đầu tư trái phiếu, cho vay liên ngân hàng, đầu tư ủy thác và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản.
Theo công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, việc bao gồm các loại tài sản phi cho vay này sẽ làm giảm tình trạng đánh giá thấp sự suy giảm tài sản, điều này sẽ làm tăng mức dự phòng và tính toán trọng số rủi ro, đồng thời cải thiện mức độ phù hợp của các chỉ số tài chính được báo cáo.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung vào việc đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của con nợ.
Ví dụ, nếu hơn 10% dư nợ của khoản nợ được phân loại là tài sản xấu, thì tất cả số tiền mà con nợ nợ ngân hàng sẽ được phân loại vào nhóm nợ xấu.
Theo quy định mới, nếu nợ quá hạn trên 90 ngày, kể cả khi tài sản bảo đảm được coi là đủ, ngân hàng vẫn phải phân loại nợ vào loại tài sản xấu.
Các yêu cầu mới cũng xác định rõ ràng hơn phạm vi cho các khoản vay được cơ cấu lại, dựa trên những khó khăn tài chính của bên vay và các sửa đổi trong nghĩa vụ hợp đồng.
Điều này sẽ gây khó hơn cho các ngân hàng trong việc bỏ qua phân loại khoản vay được cơ cấu lại khi cho phép gia hạn khoản vay hoặc giãn thời hạn trả nợ theo quyết định của ngân hàng. Theo quy định mới, các ngân hàng phải phân loại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ cần chú ý hoặc nợ xấu và trích lập dự phòng tương ứng.
Fitch Ratings hy vọng, các tiêu chuẩn cụ thể sẽ đẩy nhanh quá trình ghi nhận tài sản là nợ xấu (NPL) trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc sau khi được triển khai đầy đủ, vì cần có sự ghi nhận tài sản có suy giảm giá trị một cách rộng rãi và nhất quán hơn giữa các ngân hàng.
Fitch cũng cho rằng, các ngân hàng nhỏ hơn có nhiều khả năng báo cáo tỷ lệ nợ xấu thấp hơn (theo tiêu chuẩn trong nước) so với tỷ lệ nợ xấu (theo tiêu chuẩn quốc tế IFRS), cho thấy khả năng ghi nhận suy giảm tài sản lỏng lẻo hơn tại các ngân hàng nhỏ hơn.
Các ngân hàng nhỏ hơn cũng có xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành yếu hơn và có mức độ tập trung danh mục đầu tư cao hơn.
Do đó, các ngân hàng nhỏ hơn có thể sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn lớn hơn khi họ chuyển sang tuân thủ khuôn khổ mới, làm tăng thêm áp lực vốn- vốn đã tăng cao của họ, điều này có thể hạn chế hơn nữa tốc độ tăng trưởng tài sản.
Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp này vào ngày 1/7. Đối với các khoản phát sinh từ ngày 1/7 trở đi, các ngân hàng phải phân loại rủi ro tài sản tài chính theo các yêu cầu mới.
Đối với các nghiệp vụ phát sinh trước ngày 1/7, các ngân hàng cần từng bước phân loại lại rủi ro tài sản tài chính trước ngày 31/12/2025.
Đăng nhận xét