Dòng tiền vào các tài sản tài chính cải thiện, tuy nhiên sức hút nghiêng về các quỹ trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi.
Số liệu từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research cho thấy, phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính trên toàn cầu có sự cải thiện đáng kể trong tháng 1, với việc vào ròng đối với các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ tiền tệ. Điểm sáng trong tháng đến từ các chính sách mở cửa của Trung Quốc, cũng như thị trường đặt cược xác xuất cao hơn việc kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh mềm, thay vì rơi vào khủng hoảng.
Số liệu từ SSI Research, các quỹ cổ phiếu vào ròng 40 tỉ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 với dòng tiền tập trung vào khu vực châu Âu và thị trường mới nổi. Dòng tiền vào các quỹ trái phiếu và tiền tệ cũng thu hút được lượng lớn dòng vốn, khi lần lượt vào ròng 58,3 tỉ USD và 118,7 tỉ USD. Đáng chú ý, việc dòng tiền tập trung vào quỹ tiền tệ (vào ròng hơn 340 tỉ USD trong 4 tháng qua) cũng là yếu tố tích cực cho các nhóm các tài sản tài chính còn lại.
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) cải thiện (+11,5 tỉ USD) nhờ dòng vốn vào thị trường EU. Với mức định giá cao và xu hướng yếu đi của USD, dòng tiền vào thị trường Mỹ tiếp tục yếu đi rõ nét trong tháng 1, khi rút ròng hơn 8,3 tỉ USD.
Trái ngược, dòng tiền vào EU bắt đầu có sự cải thiện khi vào ròng hơn 3 tỉ USD, lần vào ròng lần đầu tiền kể từ tháng 1/2022 khi nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng đã được đẩy lùi. Xu hướng này cũng khá tương đồng với khảo sát từ Bank of America khi phân bổ tỉ trọng vào cổ phiếu thị trường Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 trong khi tỉ trọng vào khu vực EU đã được cải thiện so với tháng 12.
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) tích cực trong tháng 1 (+28,6 tỉ USD). Dòng vốn vào EM duy trì tháng vào ròng thứ 6 liên tiếp và là tháng vào ròng lớn nhất trong lịch sử theo dõi của SSI Research. Xu hướng giải ngân đến từ cả nhóm quỹ ETF (+19,2 tỉ USD) và chủ động (+9,3 tỉ USD), trong đó nhóm vào khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) vượt trội, khi vào ròng 16,6 tỉ USD nhờ dòng tiền giải ngân vào Trung Quốc (+11,4 tỉ USD).
“Sang năm 2023, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ vẫn phụ thuộc vào việc (1) động thái của FED và hiện nay thông điệp từ FED đã mang tính ôn hòa hơn và (2) tốc độ của việc Trung Quốc mở cửa. Điểm tích cực về triển vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trong năm 2023 là chu kỳ chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế, và thời điểm này vẫn đang được đánh giá là giai đoạn tốt để giải ngân. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát xuyên suốt thời gian qua vẫn chưa thực sự được giải quyết sẽ là yếu tố khiến dòng tiền khó có thể bùng nổ như giai đoạn cuối 2021 - đầu 2022”, SSI Research nhận định.
إرسال تعليق