ChatGPT có thể tác động tích cực đến ngành bảo hiểm nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
Công cụ chatbot này trở thành hiện tượng toàn cầu sau khi ra mắt vào tháng 11/2022. Kiến thức bảo hiểm của ChatGPT dựa trên 175 tỷ thông số dữ liệu để hỗ trợ khách hàng giải đáp thắc mắc về bảo hiểm, đồng thời, giúp các công ty luôn cập nhật các xu hướng và nhu cầu mới của khách hàng.
Công cụ xử lý ngôn ngữ dựa trên AI gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về tác động đối với thế giới số, trong khi nó đang phổ biến trong nhiều ngành như chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Các công ty công nghệ bảo hiểm cũng đang sử dụng AI để chuyển đổi yêu cầu bồi thường, bảo lãnh phát hành, phân phối, phát hiện gian lận bảo hiểm... Họ rất lạc quan về tương lai mà AI có thể mở ra.
Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia cho biết, ChatGPT cũng có nhiều hạn chế như không nắm bắt được ngữ cảnh giao tiếp của con người, khả năng xử lý nhiều tác vụ kém, không đủ chuyên môn để soạn thảo các tài liệu phức tạp như chính sách... Giá trị của AI nằm ở khả năng tự động hóa các nhiệm vụ thủ công, không cốt lõi nhưng thiết yếu.
Theo ông Roi Amir, Giám đốc điều hành Sprout.ai, các công ty bảo hiểm có thể sử dụng công nghệ cơ bản để bắt đầu những đổi mới riêng. Sprout.ai đã tự sáng tạo AI của riêng mình để xử lý dữ liệu yêu cầu bảo hiểm. Ông Roi Amir tự hào về nền tảng tự động hóa yêu cầu bồi thường này vì có thể xử lý hầu hết các yêu cầu của khách hàng trong vài phút.
"ChatGPT là một mô hình tuyệt vời. Nhiều công ty sẽ sử dụng nó làm mô hình cơ sở, cộng thêm các lớp thông minh và tính đặc hiệu cho các miền riêng của họ", ông chia sẻ với Insurance Business. Các công ty cũng tận dụng ChatGPT để giải quyết những vấn đề cụ thể bằng cách chuyên môn hóa nó trong ngành bảo hiểm, theo các chuyên gia.
Tuy nhiên, một số CEO thừa nhận có thể mất thời gian để một số dòng sản phẩm bảo hiểm chuyên dụng tìm thấy giá trị từ các mô hình AI, do thiếu dữ liệu. Bên cạnh đó, các dòng bảo hiểm cá nhân như bảo hiểm nhà và ôtô có thể tận dụng AI để thu về kết quả đáng kinh ngạc.
Phó Giám đốc Kinh doanh Sprout.ai Lawrence Buckler chỉ ra, AI tồn tại như một đòn bẩy vô hình trong lĩnh vực bảo hiểm trong nhiều năm qua, trước khi ChatGPT được biết đến rộng rãi. Sau đó, ChatGPT được phát triển và là công cụ hữu hình phổ biến hiện nay.
"Tại Sprout.ai, chúng tôi sử dụng AI để giải quyết các vấn đề vô hình. Đến hiện tại, công cụ này có thể giải quyết triệt để các vấn đề dữ liệu phức tạp một cách nhanh chóng, hiệu quả và nhất quán", ông Bill Brower, Phó Chủ tịch quan hệ ngành và giải pháp khiếu nại tại Solera cho biết. Ông cũng lưu ý sự phát triển của công nghệ vẫn chưa rõ ràng nhưng AI đang mang lại lợi ích nhanh chóng cho các công ty bảo hiểm.
Đăng nhận xét