Gần 65% khách Việt nóng lòng đi du lịch trở lại

Dù muốn sớm du lịch trở lại, 67% khách Việt có xu hướng săn lùng các cơ hội tiết kiệm - hành vi sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.

2020 là một năm đầy thách thức cho ngành du lịch toàn cầu với những thay đổi lớn về kỳ vọng và xu hướng của du khách. Ông Anthony Lu, giám đốc Booking.com tại Việt Nam, bày tỏ những nhận định và dự đoán về thị trường du lịch Việt Nam trong và sau Covid-19.

- Ngành du lịch thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Đại dịch đã tác động đến Booking.com như thế nào?

Ông Anthony Lu, Giám đốc Booking.com tại Việt Nam.

Đại dịch đã tác động nặng nề đến nhiều ngành kinh tế trên khắp khu vực, trong đó có du lịch - do hạn chế đi lại trên toàn thế giới và ảnh hưởng khó lường của những đợt dịch bùng nổ. Là doanh nghiệp, chúng tôi không ngừng thích ứng với bối cảnh, có thể sẽ mất nhiều năm trước khi ngành du lịch khôi phục hoàn toàn. Ngành "công nghiệp không khói" này vẫn đang chịu nhiều áp lực khi cả thế giới liên tục đối phó với những đợt bùng phát của dịch bệnh, đồng thời những hạn chế của chính phủ và mối lo ngại về sức khỏe đã ngăn cản nhiều người rời khỏi nhà.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy du lịch nội địa bắt đầu phục hồi nhanh hơn quốc tế. Số lượng đặt phòng trong nước chiếm hơn 70% lượng đặt phòng mới trong cả quý 3 và tháng 10, tăng đáng kể so với năm 2019 với khoảng 45%. Dù thị trường trong nước có dấu hiệu tăng nhẹ, mức tăng trưởng của ngành du lịch vẫn còn cách xa đáng kể so với năm 2019. Tổng lượng đặt phòng được báo cáo, tính theo số đêm mà khách hàng ở (chưa tách tỷ lệ hủy), trong quý 3/2020 đã giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu một chặng đường dài để ngành du lịch đạt mức phát triển như trước đại dịch.

- Booking.com đã thích nghi với sự bất ổn định Covid-19 mang lại như thế nào?

Chúng tôi tin rằng cần phải có vaccine hoặc phương pháp điều trị hiệu quả trước khi du khách cảm thấy hoàn toàn thoải mái để du lịch như trước đại dịch. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng sẽ cần thêm một thời gian nữa, người tiêu dùng mới hoàn toàn lấy lại được sự an tâm để tự do đi du lịch trở lại.

Chúng tôi cho rằng sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài quý, để ngành du lịch có thể trở lại như trước. Trước khi Covid-19 bùng phát, việc đi du lịch phụ thuộc vào nền kinh tế chung, ngân sách tài chính và sự tự tin vào nguồn kinh tế của du khách. Tuy vậy, chúng tôi đang nhận thấy sự gia tăng hứng thú cho du lịch nội địa tại những nơi đã được nới lỏng quy định giãn cách.

Để thích ứng với những thay đổi này, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ khách hàng và đối tác của mình, khi điều kiện ngày càng khả thi hơn để khám phá lại thế giới. Chúng tôi liên tục cải tiến, đơn giản hóa trải nghiệm tìm kiếm trên nền tảng của mình bằng các bộ lọc giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy những chỗ nghỉ phù hợp. Cụ thể, khả năng tìm kiếm các chỗ nghỉ riêng tư hoặc nguyên căn có thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe, cũng như giới thiệu những lựa chọn tìm kiếm theo chủ đề chuyến đi như du lịch biển, vùng nông thôn hoặc leo núi - tất cả đều là những lựa chọn yêu thích của du khách tại thời điểm này.

Khi nhận thấy nhu cầu du lịch trong nước đang dần tăng lên, chúng tôi muốn đảm bảo làm mọi cách để hỗ trợ các đối tác địa phương và mang lại những gì họ cần nhất để đáp ứng hiệu quả với bối cảnh du lịch đang biến đổi. Từ cung cấp công cụ và phân tích dữ liệu cụ thể cho đến những cải tiến trải nghiệm tìm kiếm, thúc đẩy nhu cầu kỹ thuật số, chúng tôi liên tục làm việc để đáp ứng nhu cầu của du khách Việt Nam và hỗ trợ tìm kiếm những chỗ nghỉ của đối tác ở những vùng du lịch an toàn.

Với sứ mệnh giúp mọi người trải nghiệm thế giới dễ dàng hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng tận hưởng kỳ nghỉ và trải nghiệm du lịch tuyệt vời, cũng như hợp tác chặt chẽ với các đối tác để giúp họ khôi phục lại hoạt động kinh doanh của mình.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng du lịch của Việt Nam sau Covid-19?

Việc sớm nới lỏng khoảng cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước đã cho phép du khách Việt Nam lên lịch cho các kỳ nghỉ và du lịch tại chính quê nhà. Từ tháng 6 - 8/2020, TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Đà Lạt là những điểm đến được du khách nội địa đặt dịch vụ nhiều nhất, bởi nhiều người đã tận dụng cơ hội khám phá và tìm hiểu những điểm đến tuyệt đẹp trong nước.

Trong tương lai, sau đây là một số xu hướng du lịch chính mà chúng tôi dự đoán được ở Việt Nam.

Wandermust: Trong các đợt giãn cách xã hội, 65% du khách Việt Nam cho biết họ rất nóng lòng được du lịch trở lại, đồng thời 57% nói rằng họ quý trọng việc có thể đi du lịch hơn và sẽ không xem nhẹ cơ hội được làm điều đó trong tương lai. Thời gian ở nhà khiến chúng ta khao khát thế giới bên ngoài hơn bao giờ hết với 56% người tham gia khẳng định mong muốn được khám phá thế giới; và 52% du khách muốn đi du lịch nhiều hơn trong tương lai để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất của năm 2020.

Nhận thức rõ hơn về sự an toàn và sức khỏe: Trước trạng thái "bình thường mới" này, du khách cũng sẽ ưu tiên và tuân thủ các biện pháp tăng cường về an toàn và sức khỏe, với rất nhiều trong số đó đang dần trở thành thói quen mới. 75% khách du lịch Việt Nam sẽ chỉ đặt một chỗ nghỉ cụ thể khi biết rõ các chính sách về sức khỏe và vệ sinh đang được áp dụng.

Thân quen hơn mới lạ: Trước bối cảnh dịch bệnh, du lịch tại địa phương tiếp tục là lựa chọn phổ biến của du khách. Trong tương lai, du lịch gần nhà và các trải nghiệm quen thuộc sẽ được ưu tiên hơn so với việc khám phá những điểm đến mới lạ. 57% du khách Việt vẫn có kế hoạch đi trong nước trong trung hạn (7-12 tháng tới), trong khi 48% du khách cũng có dự định tương tự trong dài hạn (trên một năm). Khi nhắc đến du lịch địa phương, 46% du khách dự định khám phá một điểm đến mới ngay tại khu vực/ quốc gia nơi họ sinh sống. 54% du khách dự định ghé lại nơi đã từng đến, bất kể là trong nước hay nước ngoài vì trải nghiệm thân quen ở đó.

Vai trò của công nghệ: Khách du lịch đang tận dụng công nghệ để lấy lại sự an tâm và giúp họ đi du lịch an toàn hơn. 71% khách Việt Nam đồng ý rằng các giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro sức khỏe khi đi du lịch và 68% cho biết chỗ nghỉ sẽ phải áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhất để giúp khách du lịch cảm thấy an toàn hơn. Gần 63% du khách muốn có nhiều máy tự phục vụ hơn thay vì quầy bán vé.

- Điểm khác biệt về xu hướng và thói quen du lịch cúa người Việt Nam so với du khách những nước khác trong Đông Nam Á hậu Covid-19?

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, Thái Lan và Singapore khá tương tự nhau về khao khát được du lịch trở lại, cùng nhận thức và kỳ vọng về những địa điểm có chốt kiểm tra sức khỏe tại chỗ khi đến, cũng như mong muốn hỗ trợ phục hồi ngành du lịch. 74% khách Việt và 71% khách Singapore muốn hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và hầu hết số liệu này tại các quốc gia Đông Nam Á đều cao hơn mức toàn cầu (40%). Phần lớn khách du lịch Thái Lan (82%) muốn biết tiền của họ đóng góp ngược lại cho cộng đồng địa phương ra sao, vượt mức trung bình toàn cầu là 55%, và đặc biệt 84% người khảo sát hứng thú ủng hộ nỗ lực phục hồi của các điểm đến.

Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm khác biệt giữa các nước:

Du lịch bền vững: 59% khách Việt và 68% khách Thái Lan muốn du lịch bền vững hơn trong tương lai, cao hơn chỉ số 53% của mức trung bình toàn cầu, và 81% khách Việt Nam hy vọng rằng ngành du lịch có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn hơn cho du lịch bền vững. Trong khi đó, chỉ 47% khách du lịch Singapore muốn du lịch bền vững, cao hơn số người Singapore muốn du lịch nhiều hơn trong tương lai để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất của năm 2020 (41%).

Thân quen hơn mới lạ: Trong khi số lượng lớn khách Thái Lan (73%) sẵn sàng đi du lịch đến khu vực/ quốc gia lân cận nơi mà họ có thể đi đến bằng ô tô thì chỉ 43% khách Việt và 44% khách Singapore lựa chọn xu hướng này.

- Theo ông, các doanh nghiệp kinh doanh chỗ nghỉ cần thích nghi như thế nào để thu hút du khách trong đại dịch?

Đại dịch đã ảnh hưởng đến cách mọi người đưa ra quyết định liên quan đến du lịch và du khách cũng được dự đoán sẽ thay đổi cách du lịch trong tương lai. Với hành vi và kỳ vọng của du khách thay đổi nhanh chóng, ngành du lịch sẽ cần tích cực hơn và không ngừng cập nhật cách tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch theo hình thức có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số yêu cầu mà chúng tôi biết rằng khách du lịch sẽ xem xét khi đặt phòng.

Từ tác động của đại dịch, chúng tôi nhận thấy có nhiều du khách mong muốn tăng cường tính minh bạch về sự an toàn và đảm bảo sức khỏe khi du lịch. 75% du khách Việt Nam sẽ đề phòng hơn với nCoV và mong muốn ngành du lịch giúp họ thích nghi với thực tế mới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trên, chúng tôi đã giới thiệu những tính năng về biện pháp bảo vệ an toàn và sức khỏe trên nền tảng của mình để đối tác đặt chỗ có thể lựa chọn phù hợp như vệ sinh, khử trùng, giãn cách xã hội, an toàn thực phẩm; hiển thị nội dung này trên trang đặt chỗ của họ trên nền tảng của chúng tôi.

Khách Việt ưu tiên những cơ sở lưu trú thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đông

Khách du lịch cũng đang tìm kiếm những phương thức trao đổi thông tin dễ dàng và nhanh chóng với các đối tác đặt chỗ, cùng với các chính sách linh hoạt, đặc biệt cho thời hạn đặt phòng dài hơn. Thấu hiểu được điều này, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú cần đưa ra các chính sách linh hoạt và cung cấp thông tin rõ ràng với khách hàng để giúp họ thoải mái và tự tin hơn khi đặt phòng.

Giá cả tốt và giá trị tổng thể cũng là điều mà người dùng cân nhắc vì du lịch sẽ không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế nói chung, mà còn phụ thuộc vào ngân sách của du khách và khả năng sẵn sàng cho chuyến đi tiếp theo. 76% khách Việt Nam quan tâm đến giá cả khi tìm kiếm và lên kế hoạch cho chuyến đi trong tương lai. Bên cạnh đó, 67% sẽ có xu hướng săn lùng các chương trình khuyến mãi và cơ hội tiết kiệm - những hành vi chúng tôi dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, những bình luận đánh giá có tính xác thực từ các du khách khác cũng trở nên vô cùng quan trọng, vì chúng mang đến những thông tin cập nhật, phù hợp nhất để đảm bảo trải nghiệm của khách phù hợp với mong đợi của họ.

Cải tiến công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại niềm tin của khách du lịch và chúng ta sẽ thấy công nghệ được ứng dụng nhanh chóng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của tập khách mới. Công nghệ sẽ giúp chúng ta tìm lại sự ngẫu hứng, tự tin và thoải mái, đồng thời giúp mọi người đi lại an toàn và có trách nhiệm hơn.

- Những phát triển đáng kể mà ông thấy trong ngành du lịch theo xu hướng bền vững và số hóa là gì?

Công nghệ tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong việc tạo ra trải nghiệm liền mạch, điều chỉnh thích hợp với từng khách hàng và có lẽ còn hơn thế nữa sau đại dịch. Những tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, học máy (machine learning) và khoa học dữ liệu đã cho phép chúng tôi đem đến những cải tiến trong cá nhân hóa đề xuất cho khách hàng. Những công nghệ này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao sự ưu tiên tin tưởng trong tương lai.

Chúng tôi cũng nhận thấy khách hàng có những thay đổi thói quen trong những tháng qua và có xu hướng ưa chuộng kỹ thuật số hơn: số lượng đặt chỗ thực hiện trên ứng dụng di động tăng lên; Cộng đồng du lịch của chúng tôi, nơi du khách sử dụng để kết nối với nhau và chia sẻ lời khuyên về du lịch, cũng đã có sự gia tăng về số lượng người truy cập tìm kiếm các bí kíp cá nhân hóa cho chuyến đi của họ.

Chúng tôi cũng dự đoán du lịch sẽ cải tiến hơn về công nghệ, được hỗ trợ thêm bởi các dịch vụ nâng cao giúp du khách dễ dàng trải nghiệm lại thế giới. Du lịch sau đại dịch sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của du lịch và ngành du lịch sẽ cần đảm bảo liên tục cải tiến để phù hợp với thị hiếu thay đổi theo thời gian của du khách.

 

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Post a Comment (0)

Mới hơn Cũ hơn
Tham Gia Kiếm Tiền Cùng Tap2Down Xem Thêm